Bảo tượng ngọc Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
đang được thiết trí tại chùa Tảo Sách - Hà Nội
Nỗ lực cho thông điệp lớn
Màn trời xám ngoét. Mưa phùn rả rích. Từng đợt gió từ mặt Hồ Tây quét ngang qua đường khiến ai nấy đều thu mình trong cái lạnh đến tê cóng tay chân. Tưởng chừng với cái rét buốt, cái gió hun hút thổi cùng màn mưa dai dẳng đến phát sụt sùi ấy chắc hẳn người ta ai cũng sẽ ngại bước chân ra đường. Thế nhưng, đồng bào Phật tử Hà Nội vẫn tạm quên đi cái rét đến run người, cái tất bật của những ngày giáp Tết Canh Dần; để đến chiếm bái Bảo tượng Quan Âm ngàn tay, ngàn mắt bằng ngọc - biểu tượng của tình thương nhân loại được tôn trí tại chùa Tảo Sách, 386 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ - Hà Nội.
Cổng chùa Tảo Sách tấp nập hơn mọi ngày
Tôn tượng Ngọc Quan Âm lấy từ mô-típ tượng Phật Bà Quan Âm Nam Hải nghìn mắt nghìn tay thường thấy tại các chùa Việt Nam. Phần thân tượng từ đài sen trở lên có nhiều nét tương đồng với pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay có từ thế kỷ XVII rất nổi tiếng ở chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh).
Đây quả thật là một đại duyên lành đối với toàn thể Phật tử nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Không là một đại duyên lành sao được khi trước đó ngày 14/1, đoàn hành hương gồm chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Thế Âm cùng báo Đất Việt, báo Giác Ngộ, Đài THVN- HTV9, cùng gần 50 đạo hữu Phật tử và Công ty Cổ phần Phát triển Thiên Việt đã phối, kết hợp với chương trình “Tác Tăng” của Phật giáo Thái Lan chú nguyện cho Ngọc Quan Âm do chùa Quán Thế Âm - Đà Nẵng cung thỉnh và tôn tạo. Không là một đại duyên lành sao được, khi pho tượng ngọc Quan Âm được đích thân Vua sãi Thái lan – vị lãnh đạo tinh thần tối cao nhất của xứ sở chùa tháp “khai quang điểm nhãn”.
Phải nói rằng, loài người càng ngày càng cảm thấy thấy bất an và đầy rủi ro hơn bao giờ hết; khi sự biến đổi khí hậu đã đang tác động ảnh hưởng, trực tiếp đến đời sống của nhân loại trên khắp hành tinh. Khi mà các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn liên tiếp xảy ra. Các cuộc khủng bố đẫm máu vẫn có mặt mọi lúc, mọi nơi thách thức sự kiểm tra an ninh ngặt nghèo, mọi phương tiện máy móc hiện đại, tối tân. Và gần đây nhất là trận động đất đã chôn vùi hơn một trăm ngàn người dân Haitti. Dân chúng đã hoang mang tự hỏi rằng nhân loại sẽ đi về đâu trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên; và tương lai của nhân loại sẽ thế nào nếu con người không thể dẹp bỏ lòng ích kỷ, sự thù hận của mình ?.
Vẻ đẹp lung linh của pho tượng
Những bước đi nhân bản
Ngay từ khi ra đời, đạo Phật đã khẳng định tất cả mọi khổ đau đến với chúng sinh đều do ba độc: tham, sân, si. Đây là những tâm sở phiền não có công năng sai khiến, trói buộc chúng sinh, đẩy chúng sinh rơi và chìm dần vào các cảnh giới tối tăm tù ngục của chính tâm thức mình. Nó không chỉ có tác động tiêu cực với riêng một cá nhân đó mà nó còn ảnh hưởng đến toàn xã hội nếu cá nhân đó nói, hành động bất thiện tương tự như thế với tha nhân. Sự nhận thức không dựa trên nền tảng của chánh kiến, chánh tư duy ...đã dẫn đến tình trạng con người ta bị hoang mang lầm lạc giữa cõi thực và ảo ảnh cảnh giới thiên đường. Điều này lý giải vì sao càng ngày càng có nhiều các vụ ôm bom tự sát, khủng bố. Đức Phật đã dạy hạnh phúc chỉ có được khi ta biết bố thí cái hạnh phúc mà ta đang gieo hạt đến cho mọi người. Giết một người này để mong một người khác hạnh phúc là điều không bao giờ có được, cũng như việc đem thóc đã rang chín để gieo hạt là điều không tưởng, hoang đường.
Phát tâm cúng dường nhân lễ cung nghinh Ngọc Phật Quan Âm
Mọi nỗ lực nhằm đưa tới một nền hòa bình, ổn định và phát triển phải được lập cước trên nên tảng của đạo đức, của từ bi. Xa rời những yếu tố ấy nền hòa bình luôn luôn bị đe dọa. Đây cũng là lý do vì sao thế giới phương Tây lại tìm đến đạo Phật. Xét về góc độ khoa học thường nghiệm, Phật giáo chưa hề gây mâu thuẫn với bất kỳ phát minh mới nào của nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Xét về góc độ tư tưởng, Phật gáo chưa hề đi chệch ra ngoài quy luật biện chứng pháp – quy luật mọi sự vật luôn vận động và phát triển. Xét về góc độ tâm linh, Phật giáo chưa hề ru ngủ hay khoác lác con người bằng những điều mê tín, hư vô. Một tu sĩ ngoại đạo phải luyện 30 năm trời để có được phép thần thông bay qua sông. Với Đức Phật Ngải chỉ giải quyết chuyện này bằng 3 đồng bạc trong 5 phút. Chính vì những giá trị nhân bản và thiết thực hiện tại này mà Đạo Phật đã được biết đến là đạo của hòa bình của tình thương nhân loại.
Anh Trần Hiếu Trung đến từ Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Hòa bình chỉ có được bằng tình thương và lòng nhân ái. Thông điệp này đã được chủ nhân của pho tượng Phật ngọc hòa bình thế giới người Úc truyển tải đến toàn thế giới và hôm nay nó lại được những con dân của nước Việt Nam tiếp tục sứ mạng của mình.
Tôn tượng Ngọc Phật Quán Thế Âm Bồ Tát ngàn tay, ngàn mắt tiêu biểu cho tấm lòng luôn lấy việc cứu độ chúng sinh, làm lợi tha cho nhân quần xã hội là mục đích cao cả, lý tưởng sống. Thông qua hình tượng Quán Thế Âm chuyên vớt người bể khổ, độ người trầm luân này một lần nữa cho thấy những giá trị bền vững luôn thuộc về những ai biết sống, phấn đấu, học tập, lao động hy sinh cho hạnh phúc của tha nhân, cộng đồng xã hội. Điều này có thể đọc rõ trong mắt và lấp lánh trong tim của tất cả mọi người đến đây với mục đích cầu nguyện cho tình thương nhân loại.
Phật tử Nguyễn Thị Oanh ở tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy
Anh Trần Hiếu Trung đến từ Vạn Phúc, Ba Đình vui vẻ nói: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng biết được Pho tượng Quán Thế Âm này là một kiệt tác của nhân loại, nên gia đình tôi đến đây để công đức và cầu nguyện cho mọi người biết yêu thương nhau hơn, để bớt đi khủng bố, chiến tranh...”. Cũng với tấm lòng nghĩ cho những điều tốt đẹp như thế sinh viên Đào Thị Thu Hiền, Phân viện Báo chí Tuyên truyền khóa 24 hồ hởi khoe: “Xem ti vi thấy nói có triển lãm Phật ngọc Quán Âm thế là tụi em đi ngay, mong rằng những thông điệp về tình thương, lòng nhân ái của em cùng các bạn khấn nguyện trước Ngài sẽ “bay” đi khắp nơi trên thế giới. Còn cô Nguyễn Thị Oanh ở tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy thì lại tỏ ra vô cùng phấn khởi khi đây là lần đầu tiên cô đến đây để chiêm bái Phật bà Quán Âm. Cô cho hay: “Đến đây thấy cảnh quan thanh tịnh, trang nghiêm lòng thanh thản vô cùng. Có lẽ từ bây giờ trở đi cô sẽ đi lễ thường xuyên hơn để không chỉ cầu nguyện cho gia đình mà còn cầu nguyện cho tất cả mọi người cùng vui sống trong tình yêu thương”.
Chị Đào Thị Thu Hiền, Phân viện Báo chí Tuyên truyền
Những niềm vui nối tiếp những niềm vui. Vừa mới đây thôi, người dân Đà Lạt đã làm nức lòng du khách trong và ngoài nước với tôn tượng Quán Âm Bồ Tát ngàn hoa, thì giờ đây đồng bào cả nước lại vô cùng hoan hỷ khi có dịp chiêm ngưỡng tôn tượng ngọc Phật có một không hai. Thông qua cuộc triển lãm ngọc Phật Quán Âm Bồ Tát ngàn tay, ngàn mắt; bức thông điệp chỉ có yêu thương mới làm trái đất quay, chỉ có lòng tốt mới vận hành sự sống của dân tộc yêu chuộng hòa bình như Việt Nam.
Nguồn : giacngo.vn