Thời tiểu học…
Ngày mới vào lớp một, ngày đó lớp một nhỏ nhất,
không có mầm chồi lá như bây giờ, tôi đã có một người bạn. Khá thân. Hắn thương
tôi lạ. Tôi được bảo vệ kỹ càng khi nào hắn có mặt. Hắn cho tôi những gì hắn
có. Một gói kẹo, những cái vỗ tay, những lời tán thưởng và cả những nụ hôn lên
má. Hắn sẵn sàng đưa lưng ra đỡ khi ai đó ức hiếp tôi. Tôi vô tư nhận lãnh quà
cáp trong sự vui sướng của trẻ thơ. Cho đến cái ngày, ba má hắn chuyển công tác
và mất liên lạc.
Mười năm sau, tôi gặp lại hắn trong trường âm nhạc.
Tôi nhận ngay ra tên bạn ngày nào, dù bấy giờ hắn đã to cao và khác hẳn. Tôi
kiểm nghiệm quá khứ bằng cách nhớ lại trong đầu tên ông bà bô hắn. Trúng phóc!
Nhưng hắn cứ trơ mắt ra nhìn như chưa bao giờ có sự thân quen. Không có sự hồ
hởi mừng rỡ ngày nào. Không có ánh mắt thương yêu của thuở xa xưa. Không phải
hắn không nhận ra tôi. Tôi biết hắn đã nhận ra. Nhưng có lẽ, ngày ấy con mắt
hắn chưa bị ý thức phân biệt chi phối nhiều. Xấu, đẹp, giàu, nghèo, sang, hèn
không là chi. Nói sâu hơn chút nữa, tại bởi vì… nhân duyên của tôi và hắn đã
hết, vào cái ngày cha mẹ hắn chuyển công tác đi xa.
Xét ra, dù chỉ là đứa con nít, hắn cũng là một dạng
bạn đáng trân trọng: Làm nhiều hơn nói. Cho nhiều hơn nhận. Không tuyên bố
huyênh hoang rồi bỏ chạy khi bạn gặp nạn. Không tham lam những gì bạn có. Không
nói xấu bạn. Luôn bảo vệ bạn khi bạn gặp chuyện. Hoan hỷ khi thấy bạn may mắn.
Không hoan hỷ khi thấy bạn bất hạnh. Không đến với bạn vì đàn đúm, rượu, chè, cờ,
bạc, vui chơi. Càng không đến với bạn vì tiền rừng bạc biển. Cũng không phải là
hạng lợi dụng những mối quan hệ bạn bè để có tiền xài hay an nhàn cho bản thân.
Nói chung, hắn có nhiều mặt khá tốt, đáp ứng khá đủ những tiêu chuẩn mà Phật đề
ra cho một người bạn chân thành.
Có điều, hắn… nhỏ quá, không đủ trí tuệ để nói với
tôi rằng: “Ê! Nhận thì nhớ cho. Mày chỉ nhận mà không cho, thì một lúc nào đó,
cái nhân mày gieo trong quá khứ sẽ hết. Mày chẳng còn lại gì…”. Hắn không nói
với tôi như thế, vì hắn không biết bạn bè chân tình đều do nhân duyên qua lại
mà có. Nhân không tạo, lấy đâu ra duyên mà hưởng hoài. Một thời quá khứ đi vào
quên lãng.
Sang trung học…
Lớp mười trở đi, bạn bè cũng nhiều, nhưng thân thì
chỉ có một. Con nhỏ tròn như hột mít, trắng như bông bưởi. Nhìn hai đứa đi với
nhau, đúng là một cặp duyên khởi: Nó trắng, tôi đen. Nó tròn, tôi ốm. Nó sạch,
tôi dơ. Nó vô duyên, tôi duyên nhiều vô kể.
Giống thằng nhóc kia, con nhỏ cho nhiều hơn nhận. Những thứ em nó không
rớ vào được, tôi vẫn dùng thoải mái. Nhưng việc đó chưa nói lên được đức tính
tuyệt vời của nó. Đồ ăn thức uống chỉ có giá trị với con nít. Tuổi mộng mơ cần
những thứ cao hơn.
Con nhỏ rất biết lắng nghe, lại hay nói những lời
khiến mình vừa lòng. Tôi ở nhà nó nhiều hơn nhà tôi. Vui buồn gì tôi cũng kể nó
nghe. Tôi thương ông nào nó cũng biết. Tôi thất tình tay nào nó cũng hay. Tôi
vui, nó vui. Tôi buồn, nó im lặng. Một khoảng im lặng vừa đủ để mình thấy an
bình, yên tâm kể lể cho qua nỗi buồn thời mới lớn. Mazôni nói đúng: “Một trong
những hạnh phúc lớn của đời sống là tình bạn. Và một trong những hạnh phúc lớn
của tình bạn, là có người để gửi gắm một bí mật hay một tâm tư”. Càng hạnh phúc
hơn khi những điều bí mật được giữ kín. Xem ra, chị chàng cũng đáp ứng được
nhiều tiêu chuẩn mà Phật đề ra cho một người bạn chân tình: “Giữ kín điều bí
mật của bạn. Không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn”. Ừ, nó đã không bỏ rơi tôi khi
tôi cần có chỗ để xả lũ.
Tôi lấy chồng, mọi thứ thay đổi. Quan hệ bạn bè
ngày xưa thưa dần. Vì công việc làm ăn hơn vì sứt mẻ tình cảm. Con nhỏ cũng có
chồng. Gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn. Rồi chồng nó bệnh nặng. Nhưng
phải thật lâu sau, khi anh ấy hoàn toàn bình phục, tôi mới biết. Tôi hỏi sao
mày không nói với tao. Nó cười cười, có gì đâu mà nói. Có lẽ, nó quen làm chỗ
dựa cho tôi hơn là lấy tôi làm chỗ nương của nó. Tôi đã có những người bạn rất chân tình, nhưng
chưa là một người bạn chân tình của ai, dù tiền kiếp có thể tôi đã là như thế.
Đến lúc hết học…
Người bạn mới của tôi, thiên hạ gọi là bạn đời, gom
đủ tiêu chuẩn của hai người trước, cộng thêm một tiêu chuẩn vô cùng quan trọng
mà Phật đặt ra cho một người bạn chân tình: “Khuyên bạn điều lợi ích bằng cách
không để bạn làm điều ác, khuyến khích bạn làm điều thiện, cho bạn nghe điều
bạn chưa nghe, cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên”. Anh đã dạy tôi làm
những điều lợi ích, không phải bằng lời nói mà bằng chính những hành động của
mình, một cách tự nhiên không thể nào chịu nổi.
Nói những điều lợi ích, vì bây giờ tôi đã có ít
nhiều giáo pháp của Phật trong đầu, đã biết tương đối việc gì thiện, việc gì
bất thiện, việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Còn ngày ấy chỉ có tức điên.
Bởi trong đầu đầy ắp cái tôi và những cái của tôi, cộng thêm một mớ “kinh
nghiệm sống” hình thành theo chiều hướng chấp ngã. Những gì đi ngược lại đó,
không khỏi khiến mình khó chịu.
Anh có thể cho những gì anh có, trong khi tôi chỉ
có thể cho những gì tôi muốn, là đủ để có việc phiền não. Buôn bán, ừ có lúc
lời lúc lỗ, nhưng nghe ai than lỗ, lập tức mua huề vốn giúp người, mà người thì
có khi nào không lỗ… Rất nhiều thứ như thế tiếp diễn trong đời sống gia đình,
khiến hố sâu ngăn cách ngày càng tăng. Tăng đến mức, sống thật gần mà phải hét
thật to mới hy vọng nghe nhau. “Đây là ngoài đời, không phải trong chùa mà sống
như mấy ông thầy tu. Vô chùa sống đi!”. Anh không vô chùa, nhưng anh kết bạn
với kinh sách của Như Lai. Đợt này, tôi trắng tay. Bởi không cách gì lôi anh ra
khỏi đống kinh sách đó. Mộng làm giàu của tôi sụp đổ khi anh tìm cho gia đình
một phương tiện vừa đủ để nuôi con mà vẫn còn thì giờ để nghiên cứu, đến thiền
viện và tu tập.
Cuối cùng rồi…
Tôi muốn biết vì sao đống giấy lộn đó hấp dẫn hơn
tôi, hấp dẫn hơn tiền bạc, danh vọng và tình cảm gia đình. Muốn biết, phải chui
đầu vô. Giáo pháp của Đức Phật phải nói là tuyệt vời! Lời của chư Tổ phải nói
không chê vào đâu được. Khi đang sống trong hạnh phúc và sung sướng, khó ai
nhận ra được giá trị của nó. Nhưng khi phải đứng ở ngã ba đường, tiến không được,
thoái không xong, bạn sẽ thấy nó tuyệt vời thế nào.
Phật nói: “Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay
không xuất hiện ở đời, bản chất các pháp vẫn là thế, vẫn quyết định tánh ấy,
vẫn theo duyên như thế”. Duyên như thế, là chỉ cho lý Nhân duyên. Ừ, trong cuộc
sống này không có gì ra khỏi nhân duyên. Thứ gì cũng phải có nhân, đủ duyên mới
có quả. Đời người là một chuỗi dài nhân duyên nối tiếp nhau. Khi nhân thiện đủ
duyên, tôi có một khoảng thời gian hạnh phúc. Khi nhân bất thiện đủ duyên, tôi
có những khoảng thời gian bất hạnh. Muốn có quả phải gây nhân. Không muốn quả
xuất hiện thì nhân đừng tạo.
Phật nói thế gian này vô thường. Ừ, mọi thứ đều có
thể thay đổi. Không phải chỉ có tiền bạc, danh vọng, tình cảm mà cả mạng sống
của con người. Mọi thứ đều có thể đến và đi rất bất ngờ. Mình thấy bất ngờ, vì
mình không thấy thế gian này được đúc kết bằng những mốc nhân duyên. Nhân đã
đến hồi ra quả, quả đã đến lúc hết duyên nên thấy có bắt đầu và chấm dứt. Muốn
hạnh phúc kéo dài, tôi phải tiếp tục gieo thiện nhân. Muốn đau khổ chấm dứt,
tôi phải tự loại bỏ những nhân xấu trong chính mình. Nếu tôi làm tất cả mọi
việc với tình thương rộng mở, thông cảm và bao dung, một nhân thiện được gieo.
Khi tôi làm mọi việc chỉ vì sự chấp ngã, nhân bất
thiện đã được gieo. Trong khoảng hai đầu mút ấy, tùy mức độ thiện và bất thiện
pha trộn mà ta có thân tướng và hoàn cảnh khác nhau. Thế giới này mang đủ loại
hình hạnh phúc và tầng lớp chúng sinh là do đó.
Tôi bỗng nhận ra mình thật ngu si khi muốn gầy tạo những
thứ mong manh dễ vỡ bằng những lời nói và hành động bất thiện khiến người chung
quanh đau khổ. Gieo nhân khổ có nghĩa là một ngày nào đó, tôi sẽ gặp quả khổ.
Hiện tại không vui mà tương lai cũng muộn phiền. Sao bằng quay đầu theo lời
Phật dạy, buông đi những tư tưởng chấp ngã đã huân tập trong bao đời. Buông được
thì mình giải thoát mà người cũng an vui.
Nói buông thì dễ những để buông cho được không phải
dễ. Bởi con người là kết quả của những tập nghiệp. Tôi có những thói quen suy
nghĩ của tôi. Anh có những thói quen suy nghĩ của anh. Nếu suy nghĩ của tôi và
anh tương đồng, tôi và anh gặp nhau, hiểu nhau và gắn bó với nhau. Nếu không tương
đồng, giữa chúng ta hằn lên những khoảng cách. Thế hệ cha mẹ thường không tương
đồng với con cái vì tư tưởng từng thời không giống nhau, hoàn cảnh xã hội của
mỗi thời cũng khác nhau. Muốn sống hạnh phúc với nhau, phải biết dung hòa những
tư tưởng và nếp sống khác nhau như những kẻ cùng thời đồng tư tưởng.
Vì là thói quen, nên nói bỏ không phải bỏ liền được.
Nhưng cũng vì là thói quen nên không có gì không thể buông bỏ. Chỉ cần không
tiếp tục nữa thì thói quen sẽ dứt. Hiểu biết quy luật ấy rồi, tôi không lấy làm
lạ cho chính mình, cũng không lấy làm lạ cho người bạn đời và những người bạn
nhỏ của tôi: Đã hứa không làm, sao bây giờ vẫn tiếp tục? Tại… nghiệp tập. Không
phải con không muốn bỏ, mà lâu lâu con quên. Con bị cái lực của nghiệp nó lôi.
Có thể dưới mắt mọi người, thằng bé vẫn tệ, tôi vẫn như thế… Nhưng dưới mắt
tôi, nó đang thay đổi từ từ, tôi cũng đang thấy mình dần dần thay đổi. Mọi thứ
cần có thời gian. Cần cả sự hiểu biết, tình thương, lòng nhẫn nại và sự tha
thứ.
Trong kinh Giáo thọ Thi ca la việt, Phật nói người
nào được bạn bè thương kính, che chở, giữ gìn tài sản cho, khi gặp nguy nan lại
được bạn bè giúp đỡ, khi gặp khó khăn bạn bè không bỏ rơi, là do đã từng đối
với bạn bè theo 5 cách: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự và không lường
gạt.
Bố thí, là cho đi. Cho đi những gì bạn có thể cho.
Từ tiền bạc, lời nói, hành động và ngay cả sự an tâm. Cho đi, và “Đừng bao giờ
nghĩ cái ít ỏi bạn cho đi là lớn và cái to lớn bạn đang nhận là nhỏ” (Phoebe
Vary). Cho với lòng thành, vì muốn người vui mình vui, thì không rơi vào hai
chữ “lường gạt”. Cho với mục đích thả con tép bắt con tôm thì nằm trong danh mục
“làm ăn”, không tính trong danh mục bố thí này.
Ái ngữ, là
lời nói bắt nguồn từ sự yêu thương, chân tình. Không mang tính lường gạt, nên
nó không phải là loại lời nói nhẹ nhàng mang tính hại người và thủ lợi cho
mình. Do chân tình mà nói, nên lời nói thường mang lại kết quả rất tốt. Nó là
loại lời nói đắc nhân tâm. Nói với tình thương, ngoài tác dụng được việc, nó
còn động viên người khác vượt qua những khó khăn trong chính bản thân họ.
Lợi hành, là làm những việc mang lại lợi ích cho người.
Không phải tự dưng hiện nay, thiên hạ ùn ùn quỳ lạy và mang tiền đến xây dựng
chùa chiền cũng như cúng dường cho chư vị Hòa thượng. Cũng do vô lượng kiếp
hành Bồ tát đạo, vô biên kiếp xả tài, xả pháp, xả thân cho chúng sinh, ngày nay
các ngài mới có cái quả như thế. Voltair nói: “Thông cảm nỗi khổ của bạn là tốt
mà ra tay tiếp cứu còn hay hơn”. Hành động luôn thiết thực hơn những lời nói
suông. Cho nên, lợi hành là cần thiết để có những người bạn chân tình.
Đồng sự, là một loại tương đồng về tư duy, công
việc, ý thích v.v… Nó là cái nhân để con người có điều kiện gần nhau và là bạn
của nhau. Không có điểm nào chung thì không gần nhau được, dù có điều kiện gần
nhau cũng thành nghịch nhau. Chư Bồ tát muốn thực hành hạnh nguyện độ sinh cũng
phải nương vào đây mà thực hiện. Buông xả, thông cảm, hòa mình với chúng sinh
mà không mất mình, là một dạng đồng sự của Bồ tát.
Nói chung, hiện tại nếu mình gặp được những người
bạn chân thành như Phật nói, là nhờ trong quá khứ mình đã thực hành được ít
nhiều 5 việc trên. Hiện tại, nếu mình thực hành được 5 việc trên thì tương lai,
quanh mình sẽ có những người bạn chân thành.
Tôi cũng cảm nghiệm ra một điều: Những người luôn làm theo ý mình, luôn
làm mình vừa lòng, chưa hẳn đã là bạn tốt của mình. Những người làm mình khó
chịu vì lời ý không tương thuận, chưa chắc đã là kẻ thù của mình. Mọi việc xảy
ra trong thế giới này, dù thuận hay nghịch, nếu khéo một chút đều có thể biến
thành đề hồ cho mình.
Giáo pháp là bạn đồng hành
Những khoảng cách quanh tôi được hàn gắn là nhờ vào
giáo pháp của Phật. Có thể bình thản được với những khó khăn gay cấn trong đời
sống cũng nhờ vào giáo pháp của Phật. Tôi chợt hiểu vì sao trong ba đại nguyện
của phu nhân Thắng Man, có đại nguyện “Nguyện dùng thiện căn này đời đời sinh được
chánh pháp trí”. Bởi không có chánh pháp trí làm bạn, bà khó có thể thực hành
hạnh nguyện độ sinh của mình. Tôi muốn an bình hạnh phúc trong thế giới này,
cũng cần phải có chánh pháp trí. Mọi việc đều cần có chánh pháp trí dẫn đường.
Nó là cái trí bắt nguồn từ chánh pháp. Giáo pháp được ứng dụng rộng sâu trong
đời sống của mình, sẽ hiện thành “chánh pháp trí” trong chính mình. Tùy mức độ
ứng dụng và hiện thành mà ta có chánh pháp trí cạn hay sâu.
Thật là hạnh phúc khi được hai hay ba người quanh
mình hiểu giáo pháp và ứng dụng giáo pháp vào đời sống. Khó khăn hơn, nếu chỉ
một người hiểu và ứng dụng giáo pháp vào đời sống. Nhưng khó khăn thế nào, rồi
mọi thứ cũng sẽ xoay chuyển theo chiều hướng tốt đẹp. Bởi ứng dụng được giáo
pháp trong đời sống của mình, cũng có nghĩa là ta đang nhận được lực gia trì
của Tam bảo. Và “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, tất cả đều là bóng dáng
của tự tâm. “Hình ngay thì bóng không cong, hình cong thì bóng không ngay”. Khi
ta thay đổi, những gì liên quan đến ta sẽ thay đổi. Sự thay đổi được nhiều hay
ít là do ta thay đổi được ít hay nhiều. Hãy giữ lại trong tim niềm tin và vững
bước…
Chân Hiền Tâm