Ngọc bích – hãy nói thứ từ ngữ thần bí này. Hãy thì thầm tên gọi. Ngọc bích. Hãy để âm thanh chuyển vận bạn đến những giấc mơ Đông phương, đến những buổi tối dịu êm. Hãy tưởng tượng gian nhà trọ rợp bóng nằm cao trên một khu rừng mưa nhiệt đới xa thẳm. Những khách mời của hoàng gia đến nơi bằng voi. Cao lương mỹ vị thơm mát được dọn trên đá trắng thuần khiết. Một phụ nữ mỹ miều. Ngọc bích. Những chiếc lá vùng nhiệt đới rộng bản phản chiếu dưới ánh sáng ban mai. Ngọc bích. Mầu xanh lục phong phú và tinh khiết biết bao, đó là mùa xuân nó mang vào tâm bạn. Ngọc bích.
Ngọc bích khơi gợi những viễn kiến ngoại lai thành thực tại, chân lý và xứng đáng. Đối với người Trung Hoa cả hàng nghìn năm rồi Ngọc bích là Đá Trời. Họ trân trọng ngọc bích hơn bất kỳ khoáng vật nào khác. Người Âu Châu và Mỹ Châu có thể ưa chuộng vàng và kim cương nhưng lại không sùng kính nó. Còn người Trung Hoa tập trung văn hóa của mình quanh ngọc bích, phơi bày một tình yêu cuồng nhiệt cũng lâu đời như chính nước Trung Hoa, một thứ tình yêu đã vượt quá tầm hiểu biết ngày nay của chúng ta.
Tuy nhiên câu chuyện về ngọc bích lại phức tạp hơn mối tương quan lịch sử đơn độc; vì ngọc bích mang tính toàn cầu, sự sử dụng lâu đời của nó, và vị trí của nó như một chiếc cầu nối liền các quý thạch với các loại khoáng chất duy nhất. Một ai đó, một nơi nào đó, chìm khuất vào làn sương thời gian, nhận chân rằng ngọc bích được dùng để làm ra một dụng cụ tốt hơn bất kỳ dụng cụ nào đã từng có. Ngày nay chúng ta biết rằng khám phá trọng yếu ra ngọc bích dưới dạng một dụng cụ xảy ra hơn 5 000 năm trước đây, phản ánh một trường hợp tính chất được lập lại một cách độc lập về sau này trong hàng loạt địa điểm khác.
Các xã hội kỹ nghệ hóa ngày nay có thể chọn lựa thứ gì để làm ra các dụng cụ, vũ khí, và nghệ thuật hiệu quả nhất từ một chất chủ như kim loại, chất dẻo, thủy tinh, khoáng sản, và các loại vật chất khác. Kim loại vẫn chưa được dùng đến khi người ta thoạt đầu sử dụng ngọc bích. Mặc dù đây là một thứ đá, bởi vì các đặc tính của nó, ngọc bích đã đáp ứng nhiều lợi ích của kim loại. Ngay cả sau khi con người đã chuyển vào thời kỳ Đồ sắt và Đồ đồng, ngọc bích của họ vẫn đóng vai trò như đồ dùng tốt hơn là kim loại thời kỳ đầu, một tình trạng đã hiện hữu cho đến khi con người hoàn thiện được hợp kim.
Tiếp cận với những thứ đá rắn chắc và bền bỉ hơn những lợi điểm riêng biệt được sản xuất ra của những người láng giềng, chẳng có gì ngạc nhiên khi những tác vật cổ nhất bằng ngọc bích tỏ ra tiện lợi. Bất cứ nơi nào ngọc bích xuất hiện, những con người cổ đại đã nhận ra tiềm năng của chúng, cấu tạo chúng thành đồ dùng và vũ khí, rồi nghi thức hóa việc sử dụng nó bằng cách làm ra những mẫu vật có tính tiêu biểu vốn thường phản ánh những hình dạng thiết thực ban đầu của chúng.
Trong cùng một giai đoạn tượng tự ở nửa vòng trái đất, các dân tộc Âu Châu đã lợi dụng các tính chất đặc biệt của ngọc bích. Xung quanh Lake Konstanz, ngày nay là Thụy Sỹ, một “nền văn hóa nhà sàn” đã phát triển trên các bờ hồ địa phương. Khoảng 3 500 đến 1 800 trước công nguyên, một nhóm leo núi Alpes đã tập trung nhiều mảnh đá cả jadeite lẫn nephrite – hai loại vật chất mà ngày nay chúng ta biết đến như ngọc bích – chủ yếu là để tác chế chúng thành rìu và búa. Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên của Luân Đôn trước đây đã xuất bản một chuyến khảo sát về những phát hiện rìu bằng ngọc bích thời tiền sử tại Âu Châu, cung cấp tài liệu hàng trăm mẫu vật jadeite và nephrite tại British Isles, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Ý, và Nam Tư.
Việc so sánh các địa điểm chôn cất của Thụy Sỹ và Trung Hoa ghi niên lịch từ khoảng cùng một thời kỳ đã phát hiện ra những dị biệt quan trọng về sử dụng ngọc bích, ngay cả khi các xã hội cổ nhất của Trung Hoa đã để lại các di vật vốn bao gồm cả những vật chạm khắc biểu tượng bằng ngọc bích. Tuy nhiên thoạt tiên người Trung Hoa tạo ra các vật dụng bằng ngọc bích, có vẻ như họ lập tức khởi đầu tôn vinh loại vật chất này cũng bằng cách chạm khắc chúng thành tài sản quý báu nhất của mình.
Dòng thời gian kể lại câu chuyện về cả nephrite lẫn jadeite. Các tác vật cho thấy rằng người Trung Hoa đã có lòng sùng kính phát triển đầy đủ đối với nephrite ít nhất 5 000 năm trước đây, có thể được đi trước bằng 3 000 năm sử dụng. Trong khoảng từ 3 500 đến 1 800 trước công nguyên, các người tiền sử khắp Âu Châu đã làm dụng cụ và vũ khí bằng cả nephrite lẫn jadeite. Khởi đầu vào khoảng 2 000 năm trước công nguyên người Olmec ở Trung Mỹ đã khai thác một trữ lượng jadeite vốn phục vụ cho ba nền văn hóa suốt 3 000 năm. Theo sau người Olmec, người Maya đã đóng góp đáng kể vào nghệ thuật ngọc bích bằng chạm khắc các đồ vật tôn giáo và biểu tượng quý giá nhất bằng jadeite cho đến khoảng năm 900 sau công nguyên. Rồi đến người Aztec đã cất trữ jadeite cho đến khi người Tây-Ban-Nha xâm chiếm họ vào những năm 1500. Xuyên qua Thái bình dương, sau khi đến được New Zealand vào khoảng năm 1 000 sau công nguyên, người Maori đã khám phá ra nephrite, là loại đá vốn giữ một vai trò nòng cốt trong nền văn minh của họ cho đến thế kỷ 19. Chỉ đến cuối thế kỷ 18 Miến Điện mới bắt đầu xuất cảng đều đặn jadeite của mình ra thế giới.
Nguồn: Fred Ward